Hướng nhà: hiểu đúng và đủ

Trong môi trường thiên nhiên, các hướng vốn không đổi. Sở dĩ có lẫn lộn về hướng tốt xấu là vì có nhiều quan điểm khác nhau và thiếu giải thích rõ ràng. Thực ra, bốn phương tám hướng mà chúng ta biết đều có các đặc tính riêng tùy theo cách xem xét. Có bốn tiêu chí sau để đánh giá tốt xấu về hướng khi làm nhà:

Nhà phố có hướng khí hậu phù hợp mở cửa đón gió, hướng bên hông xây tường dày, trồng cây giảm nóng - Việt Khôi

Bốn tiêu chí tốt xấu về hướng:

1. Tốt xấu theo hướng khí hậu: ví dụ như hướng nam và lân cận nam (đông nam và tây nam) là những hướng tốt đối với điều kiện khí hậu Việt Nam, bởi đón được gió mát và nguồn ánh sáng ổn định, không khí ấm áp. Trong khi đó, các hướng tây, tây bắc thì gặp nắng gắt vào buổi chiều; hướng đông thì chói vào buổi sáng và chịu thêm gió lạnh từ hướng đông bắc. Hướng bắc nằm giữa hai hướng tây bắc (nắng chiều) và đông bắc (gió lạnh) nên cũng không tốt lắm.

Bởi thế, “làm nhà hướng nam” là một trong những kinh nghiệm xây dựng dân gian để đón được gió mát, tránh được gió lạnh.

2. Tốt xấu theo hướng mệnh trạch: có thể tham khảo các sách về Dịch học và văn hóa truyền thống phương Đông để dễ dàng tìm ta cung mệnh của mỗi người tương ứng với các phương hướng cát hung. Dịch học phương Đông quy định có 8 mệnh cung tương ứng với 8 hướng trong tự nhiên theo 8 quẻ của bát quái, phân thành hai nhóm là nhóm đông tứ mệnh và tây tứ mệnh.

Nguyên tắc chung là người theo nhóm đông tứ mệnh thì ở nhà đông tứ trạch, người theo nhóm tây tứ mệnh ở nhà tây tứ trạch. Khi đi sâu vào từng hướng cụ thể, sẽ có thêm các phân tích ngũ hành sinh khắc để xác định hướng hợp và không hợp.

Dùng hình khối lồi thụt, mái che, cây xanh, mở cửa hạn chế... là những biện pháp hiệu quả khắc phục hướng khí hậu xấu - Ảnh: Việt Khôi

3. Tốt xấu theo hướng phương vị: là hướng của một vùng, một vật (hay người) ta xét so với một điểm gốc nào đó. Ví dụ nói “trước mặt thoáng đãng, sau lưng có chỗ dựa, tả long hữu hổ“ là ý nói đến hướng xung quanh của một chủ thể ta xét. Khi chủ thể di chuyển, thay đổi, quay về đâu thì trước sau phải trái thay đổi theo. Cùng một dãy nhà (tức là nhìn ra cùng một hướng) và cùng buôn bán giống nhau, nhưng có nhà thuận lợi có nhà khó khăn là vì mỗi nhà bên trong và bên ngoài, trước sau phải trái có phương vị khác nhau.

4. Tốt xấu theo hướng giao tiếp: ngoài việc ứng phó với môi trường thiên nhiên, con người cũng phải ứng xử với môi trường xã hội. Vì thế, nhà cần quay mặt (hoặc cửa, lối vào một không gian nào đó) ra những vị trí thuận lợi cho việc giao tiếp. Cha ông ta dạy nhất cận thị - nhị cận giang - tam cận lộ là nói lên những lợi điểm khi mua đất cất nhà, từ xưa đến nay vẫn không khác nhau bao nhiêu khi xét giá trị một bất động sản.

Như vậy, khi xem xét một ngôi nhà có hợp hướng hay không, ta phải xem xét trên cơ sở phân tích và tổng hợp cả bốn loại hướng, chứ không đơn giản là “nghe thầy nói hợp hướng đông bắc“ thì cố tìm bằng được nhà hướng đông bắc, xem nhẹ các yếu tố khí hậu, giao tiếp và phương vị. Cần phân tích trước tiên xem bốn loại hướng trên tốt xấu bao nhiêu phần, khả năng khắc phục nhiều hay ít, có ảnh hưởng gì đến môi trường, con người, kết cấu xây dựng hay không.

Phân tích và tổng hợp để chọn hướng cho nhà

Phân tích theo hướng mệnh trạch, mỗi người đều có đến 4 hướng cát và 4 hướng hung nên dễ dàng linh hoạt điều chỉnh để hướng mệnh trạch phối hợp tốt với hướng giao tiếp và hướng khí hậu. Thậm chí gia chủ (thường là người cha, người chồng) gặp hướng không hợp tuổi, nhưng các thành viên khác trong gia đình lại hợp thì ngôi nhà vẫn tốt cho đa số, chỉ cần thay đổi vị trí, phương hướng tại không gian của riêng gia chủ.

Một ngôi nhà xoay hướng cửa ra vào bên hông để tránh hướng xấu. Cửa gara vẫn giữ hướng cũPhân tích theo hướng phương vị, nếu hoàn cảnh chung quanh trước sau không thuận tiện thì có thể xoay hướng nhìn (chỉnh cửa, đổi vị trí chức năng phòng, đảo bếp…) sao cho phương vị thuận tiện hơn mà vẫn tuân thủ các hướng kia. Cần lưu ý nguyên tắc đa cát thắng thiểu hung để chọn giải pháp nào đạt nhiều điều tốt hơn chứ không nhất thiết phải đạt tốt tối đa!

Hướng khí hậu vốn không thay đổi, nên khi chọn nhà hợp mệnh mà gặp hướng nắng gắt (tây) thì vẫn có thể dùng kết cấu, hình khối lồi thụt để bao che, ngăn bớt bức xạ, mở cửa đón gió ở các hướng tốt hơn. Thậm chí nhà phố hướng tây chưa chắc đã nóng vì mặt tiếp xúc hướng tây chỉ khoảng 4 đến 6m có thể dùng lam, trồng cây che chắn. Trong khi đó, mặt bên hông dài được hướng nam nếu khéo mở giếng trời hoặc cửa sổ trên cao thì vẫn lấy gió rất mát.

Phân tích theo hướng giao tiếp, khi một nhà nhìn ra hướng tốt so với tuổi gia chủ nhưng vị trí trong hẻm quá nhỏ, hoặc nằm bên đường xa lộ cao tốc khó rẽ vào được thì hướng giao tiếp của nhà đó cũng xấu đi. Hoặc có nhà ở bên cạnh xưởng máy ồn ào thì dù dễ đi ra đi vào, nhưng giao tiếp vẫn không thoải mái.

Tổng hợp các yếu tố về bản thân con người và môi trường người đó cư ngụ, ta sẽ có được giải pháp chọn lựa hướng nhà sao cho phù hợp nhất.

Bốn loại hướng nêu trên phải được quan tâm và xử lý cụ thể từ xa đến gần chứ không đơn giản chỉ là hướng hợp tuổi (mệnh trạch). Rõ ràng vai trò của người làm quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị rất quan trọng trong việc bảo đảm môi trường sống thuận tiện, an lành cho khu dân cư.

Khi đi vào từng ngôi nhà cụ thể, người kiến trúc sư sẽ quyết định cách xử lý về khí hậu, giao tiếp và phương vị (tức chiếm 3/4 loại hướng nêu trên) thông qua bố trí mặt bằng, phân khu chức năng, mở cửa, xử lý nội ngoại thất… mà chắc chắn không “thầy” địa lý nào có thể làm thay được. Cứ cho là kiến trúc sư chưa rành về Dịch học hoặc không thích bấm tay xem tuổi giáp ất càn khôn thì anh ta vẫn có thể dùng bảng tính tuổi mà gia chủ cung cấp (đi xem thầy, coi sách…) như một cơ sở thông tin góp phần xử lý hoàn thiện phương án thiết kế.
 
(Theo TT)

Tin cùng chuyên mục