Thủ tục giải chấp sổ đỏ
Sau khi đã hoàn tất việc trả nợ thì người thế chấp sổ đỏ phải thực hiện giải chấp hay còn gọi là xóa thế chấp. Vậy thủ tục giải chấp sổ đỏ được thực hiện thế nào?
1. Giải chấp sổ đỏ là gì?
Giải chấp sổ đỏ (hay xóa thể chấp sổ đỏ) được hiểu là việc xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, giải trừ thế chấp đối với tài sản là quyền sử dụng nhà ở, đất ở cùng tài sản khác gắn liền với đất khi tài sản đã chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm cho khoản nợ.
Khi trả hết nợ, người dân sẽ phải thực hiện thủ tục giải chấp sổ đỏ, xóa đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất.
2. Điều kiện để được giải chấp sổ đỏ
Căn cứ Điều 21 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, bên thế chấp được xóa đăng ký thế chấp nếu thuộc trường hợp sau:
- Chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm;
- Hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp bảo đảm đã đăng ký bằng biện pháp bảo đảm khác;
- Thay thế toàn bộ tài sản bảo đảm bằng tài sản khác;
- Xử lý xong toàn bộ tài sản bảo đảm;
- Tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ; tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Có bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật về việc hủy bỏ biện pháp bảo đảm, tuyên bố biện pháp bảo đảm vô hiệu;
- Đơn phương chấm dứt biện pháp bảo đảm hoặc tuyên bố chấm dứt biện pháp bảo đảm trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật;
- Xóa đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở trong trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật;
- Cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý xong tài sản bảo đảm;
- Theo thỏa thuận của các bên.
Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, thì khi yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm tiếp theo, người yêu cầu đăng ký không phải xóa đăng ký đối với biện pháp bảo đảm đã đăng ký trước đó.
3. Thủ tục giải chấp sổ đỏ
3.1. Hồ sơ
Theo Điều 47 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, hồ sơ giải chấp sổ đỏ bao gồm:
- Phiếu yêu cầu xóa đăng ký thế chấp: Mẫu số 04/XĐK (01 bản chính).
- Văn bản đồng ý xóa đăng ký thế chấp hoặc văn bản xác nhận giải chấp của bên nhận thế chấp trong trường hợp phiếu yêu cầu xóa đăng ký chỉ có chữ ký của bên thế chấp (gồm 01 bản chính hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);
- Sổ đỏ (bản chính).
- Văn bản ủy quyền (nếu có) (gồm bản chính hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao không chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).
Trong trường hợp trước đó đăng ký thế chấp khi cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý xong quyền sử dụng đất thì cần nộp một bộ hồ sơ gồm:
- Phiếu yêu cầu xóa đăng ký thế chấp (bản chính).
- Sổ đỏ (bản chính).
- Văn bản xác nhận kết quả xử lý quyền sử dụng đất của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại (bản chính hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).
- Văn bản ủy quyền (nếu có).
3.2. Thủ tục giải chấp sổ đỏ
Bước 1: Nộp hồ sơ
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện giải chấp sổ đỏ bao gồm:
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai (cấp huyện)
- Bộ phận một cửa ở địa phương
Cơ quan này sẽ chuyển lên Văn phòng hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Nếu có căn cứ từ chối đăng ký: Văn phòng đăng ký đất đai từ chối đăng ký bằng văn bản và chuyển hồ sơ đăng ký, văn bản từ chối đăng ký cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ để trả lại hồ sơ đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện đúng quy định.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
Văn phòng đăng ký đất đai ghi nội dung xóa đăng ký vào sổ địa chính và Giấy chứng nhận.
- Không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;
- Không quá 13 ngày làm việc đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Bước 4: Kiểm tra thông tin giải chấp
Khi nhận được kết quả giải chấp, thông tin đã xóa đăng ký thế chấp sẽ được thể hiện tại trang bổ sung của sổ đỏ.
Sau khi xóa thế chấp sổ đỏ thì nội dung sẽ được ghi như sau:
“Trường hợp xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thì ghi “Xóa nội dung đăng ký thế chấp ngày …/.../... (ghi ngày đã đăng ký thế chấp trước đây) theo hồ sơ số... (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký)”
CSPL: Điều 9, 48 Nghị định 102/2017/NĐ-CP; Điều 31 Thông tư 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT; Thông tư 07/2019/TT-BTP; Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP; Điều 18, 20 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT
Tin cùng chuyên mục
Đáng lẽ phải là thời điểm sôi động theo thông lệ, song từ đầu tháng 12/2009 tới nay, thị trường nhà đất khu vực phía Bắc đã “co” mình lại ngủ đông khá sớm. “Bùng nổ” trong gần 3 tháng để rồi nhanh chóng “lịm” đi chỉ trong vài tuần. Đó là hệ quả tất yếu do nạn đầu cơ quá đà, “thổi giá” lộ liễu trên thị trường bất động sản phía Bắc tháng cuối năm 2009.
Thị trường bắt động sản Việt Nam hình thành đã từ trên chục năm qua và được liên tục điều chỉnh, từ vận động tự nhiên và từ các chính sách. Không phủ nhận thị trường ngày càng phăt triển và ổn định, song nhìn thẳng vào thực tế vẫn thấy còn nhiều điểm, nhiều điều phải tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa để có một thị trường bài bản, chuyên nghiệp đầy đủ, đúng nghĩa của nó.