NHÀ ĐẤT HOT

Cấm chuyển nhượng nhà ở xã hội 10 năm đầu

Một số ý kiến bày tỏ lo ngại về cơ chế quản lý đầu tư, giám sát về giá và chất lượng, phân phối quỹ nhà ở xã hội tại cuộc hội thảo vừa được Hiệp hội Bất động sản tổ chức sáng 28 - 1.



200.000 căn hộ cho người thu nhập thấp

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, đưa ra thông tin lạc quan: Đến nay đã có 264 dự án nhà ở công nhân đăng ký triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 59.245 tỷ đồng.

Về nhà ở sinh viên, đến nay, cũng đã có 95 dự án thuộc 28 địa phương và 2 bộ: Công an và Quốc phòng với tổng số vốn trái phiếu Chính phủ phân bổ trong năm 2009 là 3.500 tỷ đồng.

Đã có 88/95 dự án đã được khởi công. Dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn đầu (2009 - 2010) sẽ cung cấp thêm 330.000 chỗ ở cho sinh viên cả nước.
Đến nay, đã có 31 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp khởi công, tương ứng khoảng 7.500 căn hộ.

“Thực tế cho thấy, một căn hộ diện tích 50 m2 với mức giá bán bình quân 300 - 500 triệu đồng. Nếu thực hiện theo hình thức thuê mua (trả trước 20%) trong 20 năm, hằng tháng người mua chỉ phải trả khoảng hai triệu đồng cho một căn hộ. Mức giá này phù hợp với khả năng chi trả đối với các hộ thu nhập thấp” - Ông Nguyễn Mạnh Hà phân tích.

* Vấn đề thu hút sự quan tâm lớn là việc xét duyệt thuê, thuê mua nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Vũ Ngọc Đạm - Trưởng phòng Phát triển nhà - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Điều kiện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội của cán bộ, công chức là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được thuê hoặc thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Có nhà thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 5m2 sàn/người.

Quy trình xét chọn đối tượng: Cơ quan sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm tra đề xuất danh sách, các đối tượng thuộc tiêu chuẩn thuê nhà ở xã hội. Ưu tiên cho hộ gia đình có cả 2 vợ chồng tốt nghiệp đại học, người làm việc ở khu vực khó khăn, độc hại, có thời gian công tác tại vùng xa xôi...

Bán chui sẽ bị thu hồi nhà

Ông Hồ Sỹ Hậu - Tổng Giám đốc Cty cổ phần địa ốc MB cho rằng, nếu cơ chế quản lý, phân phối không khoa học và chặt chẽ sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng bán lúa non quỹ nhà này tràn lan!

“Tình trạng bán lúa non đã diễn ra tại rất nhiều dự án nhà ở do các bộ, ngành đầu tư. Vậy làm sao để không biến quỹ nhà ở dành cho người thu nhập thấp trở thành cơ hội mới cho nhà đầu tư thứ cấp? Mặt khác trong quan hệ này, người xét duyệt lại hầu như không biết gì về người được mua nên liệu có xảy ra tình trạng bị người mua qua mặt?”- Ông Hậu phản ánh.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, Bộ Xây dựng đang cùng với nhiều cơ quan chức năng nghiên cứu ban hành các quy định về thuê, mua nhà ở xã hội theo lương sẽ yêu cầu trong 10 năm đầu sau khi mua không được phép chuyển nhượng và nếu trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng thì phải bán lại cho nhà nước theo giá mua ban đầu theo khấu hao thời hạn sử dụng. Nếu cố tình bán chui, thậm chí sẽ bị thu hồi lại nhà.

“Điều quan trọng nhất hiện nay làm sao để có nhiều sản phẩm. Nhà ở xã hội không phải là dạng nhà ở mà các cơ quan tự phân cho cán bộ của mình theo kiểu bao cấp trước kia nên cách quản lý cũng rất khác. Phải cổ vũ và tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia xây nhà ở xã hội. Còn việc quản lý phải liên tục được cải tiến, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn” - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.

Theo Tiền Phong

Tin cùng chuyên mục