NHÀ ĐẤT HOT

Đề xuất 2 phương án mới đánh thuế nhà

Mức khởi điểm của giá trị nhà chịu thuế được nâng lên 1 tỷ đồng thay vì 500 triệu đồng như dự thảo Luật Thuế nhà đất đã trình Quốc hội.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất chưa đánh thuế đối với nhà ở. Ảnh: Hoàng Hà.

 

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/12, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội và Ban soạn thảo dự Luật Thuế nhà đất đề nghị: Cần ban hành thuế nhà, đất theo đúng chương trình xây dựng luật mà Quốc hội đã thông qua. Theo đó, đối tượng chịu thuế bao gồm nhà ở và đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Trong đó, đối với nhà ở có 2 phương án tính thuế.

Phương án một, ban soạn thảo đề nghị chỉ thu thuế đối với người sở hữu nhà thứ hai trở lên với mức áp dụng chỉ 0,03%. Phương án này theo Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội là dễ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đảm bảo cho mỗi người dân có một căn nhà, đối tượng chịu thuế hẹp.

Phương án hai là tính thuế ngay từ nhà đầu tiên nhưng nâng mức khởi điểm của giá trị nhà chịu thuế lên 1 tỷ đồng thay vì 500 triệu đồng như dự thảo đã trình Quốc hội. Theo phương án này thì đại bộ phận người có quyền sở hữu nhà ở nông thôn và người có quyền sở hữu nhà ở đô thị với diện tích khoảng 400 m2 đối với nhà cấp I hoặc rộng hơn nữa là nhà cấp II sẽ không phải chịu thuế.

Về thuế suất đối với đất, cơ quan soạn thảo đề nghị thu thuế 0,03% đối với diện tích trong hạn mức, thu 0,06% phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá một lần hạn mức, thu 0,15% phần diện tích vượt trên một lần hạn mức. Các mức này đã được chỉnh sửa theo hướng tăng lên so với dự luật đã trình Quốc hội.

Tuy nhiên, trong phiên thảo luận đầu giờ sáng, nhiều Đại biểu Quốc hội đều bày tỏ quan điểm chưa tán thành với việc đưa nhà vào đối tượng chịu thuế. Lý do nhà là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Việc đánh thuế nhà sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh: "Ngay từ đầu tôi đã phản đối việc đưa nhà ở vào diện đánh thuế, do vậy, nếu cứ kiên quyết thu thì phải tính toán thận trọng, đồng thời cần lấy ý kiến nhân dân trước đã, vì đây là sắc thuế liên quan đến toàn người dân, cần có thời gian chuẩn bị kỹ”

Theo ông, các phương án thuế phải tính toán căn cứ vào điều kiện thực tế ở VN chứ không thế nói chung chung rằng phù hợp với thông lệ quốc tế. "GDP trên đầu người ở VN còn thấp, thu nhập đại bộ phận dân chúng chưa cao nên không thể so sánh VN với quốc tế", ông Thuận nói thêm.

Đồng tình quan điểm này, Đại biểu Hà Văn Hiền cho rằng càng giảm các khoản thu đối với người dân càng tốt. "Tôi đồng tình với ý kiến chưa thu thuế đối với nhà ở", ông Hiền nói.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng than thở: Đánh thuế với nhà đất như thế nào sao cho hiệu quả và đảm bảo mục tiêu hạn chế đầu cơ... quả là rất khó. Bản thân Chính phủ cũng xác định đây là vấn đề phức tạp nên đưa ra nhiều phương án để các đại biểu thảo luận và lựa chọn. Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thì bàn bạc kiểu gì cũng phải toát lên tư tưởng của Luật là mong muốn đại bộ phận người dân có một nhà thì không phải đóng thuế.

Riêng Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Hồng Quân thì tỏ rõ quan điểm rằng vẫn nên thu thuế đối với nhà nhà ở. Theo ông Quân, ngoài 2 phương án mà Ban soạn thảo đưa ra, vẫn có thể có phương án ba và tiệm cận công bằng hơn là kết hợp cả hai phương án này. Tức là đưa ra hạn mức nhà ở theo mét vuông, sau đó kết hợp cả hạn mức và giá trị nhà.

Phó chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Kiên cho rằng Luật xây dựng phải dựa trên sự ổn định lòng dân chứ không thể cốt chỉ có thu cho đủ thuế. Do vậy, thời gian tới, các bộ cần trưng cầu thêm ý kiến người dân.

“Ngoài chuyên gia, ban soạn thảo nên lấy ý kiến của đại diện dân cư và cán bộ địa chính, thuế ở địa phương. Có như vậy, khi thông qua luật mới tạo được sự đồng thuận từ lòng dân”, ông Kiên chốt lại.

Dự kiến Luật thuế nhà đất sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và tháng 4 trước khi Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7.

(Theo Vnexpress)

Tin cùng chuyên mục