NHÀ ĐẤT HOT

Đất Hà Nội khu nào "nóng" nhất năm 2010?

Nhìn lại năm 2010 không ít người giật mình khi giá đất tại một số khu vực trên địa bàn Hà Nội tăng “chóng mặt”. Nhà đầu tư, khách hàng và thậm chí cả cơ quan quản lý nhà nước về nhà đất cũng "ngỡ ngàng".

 
Và nếu để "bình chọn" cho khu vực có giá đất biến động bất thường nhất trong năm 2010 thì khu vực phía Tây sẽ có số phiếu cao nhất, đặc biệt là .... Ba Vì.

"Cơn lốc mang tên Ba Vì"

Nhiều làng quê dưới chân núi Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) vốn bao đời bình yên thì bỗng dưng xáo trộn bởi cơn sốt giá đất diễn ra chóng vánh trong tháng 5/2010.

Khi cơn sốt lên tới đỉnh điểm, hàng trăm người đổ xô đi lùng mua đất để lướt sóng thì giá đất khu vực này bị đẩy lên đến mức khó tin khi một số mảnh tưởng chẳng có giá trị gì lại lên đến tiền tỷ.

Bất động sản đem lại không ít lợi nhuận, điều đó chứng tỏ bất động sản luôn là kênh đầu tư hấp dẫn thế nhưng đối với nhà đầu tư "hiếu kỳ" thì rủ ro vẫn "rình rập" trước mắt.

Thông tin về Trung tâm hành chính Quốc gia mai sau sẽ chuyển về đây khiến nhiều người từ Hà Nội lên hỏi mua đất “đón lõng”. Tình hình đó đã đẩy những mảnh đất vốn “rẻ như bèo” nay thành đất "vàng” với giá gấp 3 lần trước đó mấy tháng.

Hàng trăm nhà đầu tư "hiếu kỳ" cũng vượt cả trăm cây số từ trung tâm Hà Nội để lên vùng "hẻo lánh", thậm chí phải nhờ đến "Google Earth" thì mới xác định được "tọa độ" của khu vực "sốt" đất. Đó chính là sườn đông núi Ba Vì chính là khu vực Nông trường chè Việt Mông và xã Yên Bài.

Tại thôn La Giãn, xã Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội), cơn sốt đất trong mấy tháng vừa qua cũng đã len lỏi vào tận từng gia đình.

Có mảnh đất chào bán chưa đầy 200 triệu đồng/sào (360m2) mà năm sáu năm nay chẳng ai hỏi thế mà bây giờ đất sổ đỏ 1m2 giá 2,5 – 3 triệu, tính ra ngót 1 tỷ/1 sào. Những mảnh đất có vị trí mặt đường, ô tô đỗ cửa cũng được hét tới 55 triệu đồng/mét dài (sâu 40 mét), thậm chí có những mảnh bị đẩy giá lên tới 150 triệu đồng/mét dài

Nếu đúng là Trung tâm hành chính Quốc gia sẽ được chuyển về xã Yên Bài thì những mảnh đất dọc đường vào núi Ba Vì đối với người có nhu cầu mua đất quả là có giá trị.

Thế nhưng giấc mơ kiếm bạc tỷ từ đất Ba Vì của hàng trăm nhà đầu tư "hiếu kỳ" dường như đang tan biến khi lãnh đạo Bộ Xây dựng "tuyên bố" trung tâm hành chính quốc gia nếu có đặt tại Ba Vì thì đó là câu chuyện của 50 nữa.

Ông Nam còn phân tích thêm để thấy rõ việc "thừa tiền mới đầu tư đất Ba Vì" bởi đất đai về vùng từ Xuân Mai tới Ba Vì, giá sẽ lên rất chậm, không thể có lợi bằng việc đầu tư các dự án hiện hữu từ vành đai 4 trở vào. Bởi những dự án đó đã khá rõ ràng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội liên quan.

Giá đất bỗng nhiên lao dốc với mức giảm giá tới 70%. Một số gia đình ở huyện Ba Vì (Hà Nội) chạy theo theo cơn bão sốt đất đang đứng trước nguy cơ sạt nghiệp khi phải bán tháo đất trước đây mua gom để đáo nợ, trả nợ.

Nhiều nhà đầu tư còn gọi điện "cầu cứu" lãnh đạo huyện Ba Vì khi đã trót mua đất không chính thống qua buôn bán trao tay và giờ đất xuống giá.

Đó là một kết cục dễ hiểu của một trào lưu "lướt sóng".

Khi tin đồn lại quay về... Mỹ Đình

Ngày 15/10, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo mới nhất về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trong đó giữ nguyên trục Hồ Tây – Ba Vì và trụ sở các bộ ngành xây mới sẽ được đặt tại Mỹ Đình, Tây Hồ Tây.

Theo đó, định hướng quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống cơ quan công sở cấp Trung ương như: Các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ được xác định tại khu vực Ba Đình.

Các công sở cấp Trung ương được ở lại trong khu vực nội đô sẽ được cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu làm việc. Các công sở cấp trung ương phải di dời khỏi khu vực nội đô sẽ được xây dựng mới tại Mễ Trì – Mỹ Đình hoặc Tây Hồ Tây, quy mô đáp ứng được yêu cầu làm việc hiện đại, tiện nghi theo mô hình khu tập trung, liên cơ quan.

Công sở cấp thành phố gồm: Trụ sở Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố bố trí tại khu vực xung quan Hồ Gươm. Trụ sở cơ quan thành phố theo mô hình hợp khối và xác định ở vị trí thích hợp tại các khu vực nội đô.

Ngoài ra, khu vực đô thị trung tâm sẽ xây mới Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại quốc tế tại Mễ Trì và Đông Anh; Trung tâm tài chính thương mại quốc tế tại khu vực Tây Hồ Tây; Trung tâm thương mại tài chính ngân hàng tại các khu đô thị Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Trì trên các trục không gian phát triển trong chuỗi đô thị dọc vành đai 4.

Thông tin quy hoạch Hà Nội lập tức được lan truyền trong giới đầu tư bất động sản. Sự kì vọng quá mức vào “miền đất hứa” phía tây thành phố, thị trường bất động sản khu vực này đang diễn ra một cảnh dở khóc dở cười khi người mua chẳng thấy bóng dáng đâu mà giá cứ lên vù vù.

Giá đất dọc đường Lê Đức Thọ, xã Mỹ Đình (H.Từ Liêm) hét giá lên tới 360 triệu đồng/m2, đắt ngang với đất phố cổ. Giá đất trong ngõ (thuộc các làng Phú Đô, Tân Mỹ, Nhân Mỹ, Phú Mỹ, Đình Thôn) ôtô vào được thì có giá 70 đến 100 triệu đồng/m2, thấp hơn cũng phải 40-50 triệu đồng /m2 mới bán.

Tương tự, đất thổ cư khu vực Mễ Trì cũng đang thiết lập mặt bằng giá mới khi thôn Mễ Trì thượng hiện giá đất đường ô tô vào được có giá từ 80 đến hơn 100 triệu đồng/m2, thấp hơn cũng có giá lên tới 60 – 70 triệu đồng/m2 trong khi mới đầu năm nay giá đất khu vực này cũng chỉ rơi vào khoảng 30-40 triệu đồng/m2. Thôn Mễ Trì hạ giá đất có thấp hơn một chút nhưng cũng rơi vào khoảng từ 40 đến 60 triệu đồng/m2.

Một đại gia bất động sản hiện đang là chủ của ngân hàng lớn tại Hà Nội chia sẻ với LandToday.net, có nhiều cách để đẩy giá đất "lên mây" vì giới đầu cơ muốn tạo một mặt bằng giá mới tại khu vực này. Chính vì thế, họ cứ mua đi bán lại với nhau để "bẫy" ... khách hàng.

Bài học rớt giá “không phanh” của bất động sản ở Ba Vì vẫn còn đó, hay gần đây nhất trục đường Lê Văn Lương kéo dài sau đợt lên giá vù vù tháng 10 vừa qua giờ cũng đang chững lại, rục rịch xuống giá bởi số lượng giao dịch quá thấp, vị này khuyến cáo.

Hầu hết các chuyên gia về bất động sản đều nhận định: “với tình hình giao dịch ảm đạm như hiện nay, bất động sản khu vực này chắc chắn sẽ có một đợt thoái lui rớt giá, quay trở lại mốc giá thật vốn có của nó”.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vàng và chứng khoán luôn có những biến động phức tạp, phần lớn nhà đầu tư bất động sản khi đầu tư vào vàng và chứng khoán họ đều không thành công. Trong khi đó, bất động sản đem lại không ít lợi nhuận, điều đó chứng tỏ bất động sản luôn là kênh đầu tư hấp dẫn thế nhưng đối với nhà đầu tư "hiếu kỳ" thì rủ ro vẫn "rình rập" trước mắt.

Nhiều khu vực lập mặt bằng giá mới

Tại khu đô thị Tân Tây Đô, giá đất đầu năm đưa ra là 22 triệu đồng/m2, cuối năm giá đất tăng lên 60 triệu đồng/m2. Dự án Lê Trọng Tấn Geleximco đầu năm được bán với giá 50 triệu đồng/m2 thì cuối năm giá các ô liền kề mặt đường 42m Lê Trọng Tấn cũng đã tăng lên 100 triệu đồng/m2.

Tại khu đô thị mới An Hưng, đầu năm giá đất chỉ khoảng trên 40 triệu đồng/m2, nay đã có giá trên 60 triệu đồng/m2 (giáp mặt đường nội bộ khu dân sinh) và lên tới trên 100 triệu đồng/m2 (giáp đường lớn từ 30 m trở lên). Giá đất tại Khu dự án Văn Phú còn cao hơn: giáp đường dân sinh khoảng 70 triệu đồng/m2, còn giáp đường lớn trên 30 m lên tới trên 130 triệu đồng/m2.

Không chỉ dừng lại ở phía Tây, 4 quận nội thành Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng giá đất cũng “trên trời” với giá bình quân là từ 500 triệu - 700 triệu đồng/m2.

Tại Mê Linh, giá dao động đầu năm là 6,5 – 17 triệu đồng/m2 vào cuối năm. Khu vực Đông Anh giá đất được nhích dần lên bởi cầu Nhật Tân đã chính thức khởi công xây dựng nên giá đất cũng dao động từ 10 – 30 triệu/m2 tùy từng khu vực.

Giá đất làng Trạm – Long Biên (cách cầu Vĩnh Tuy 300m) giá 35- 38 triệu đồng/m2. Đất nền khu Tư Đình, đường 40m giáp sân bay Gia Lâm, có khu sinh thái sân golf giá khoảng 35 triệu đồng/m2.

Khu Thạch Bàn giá khoảng 30 triệu đồng/m2. Giá đất tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm 2010. Giá đất Ngọc Thụy (Gia Lâm) đã lên tới 35 - 40 triệu đồng/m2. Khu vực Đa Tốn đã tăng lên đến 15 - 16 triệu/m2.

Theo VietnamNet

Tin cùng chuyên mục