Đất đai hiện nay có hai ông chủ, là điều bất hợp lý (ảnh minh họa)
Thu hồi hay tự thoả thuận?
Theo Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu, những quy định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là quy định nhà đầu tư tự thoả thuận với người sử dụng đất trong Luật Đất đai 2003 đã dẫn đến tình trạng không công bằng, không đồng bộ giữa các dự án do nhà đầu tư tự thoả thuận và dự án do Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một khu vực.
Phó Giám đốc Sở TN-MT Thừa thiên - Huế Nguyễn Văn Ngọc cũng cho rằng: “Đối với trường hợp Nhà nước không thu hồi đất, nhà đầu tư tự thoả thuận với các chủ sử dụng đất đã tạo ra sự không thống nhất về đơn giá, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, thậm chí không thoả thuận được nên rất khó khăn cho việc thực hiện dự án”. Do vậy ông đề nghị chỉ khuyến khích nhà đầu tư thoả thuận với người sử dụng đất. Sau 30 ngày nhà đầu tư không thoả thuận được thì Nhà nước quyết định thu hồi đất.
Tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long không đồng tình: “Ta bán đấu giá quyền sử dụng đất chứ có bán quyền sở hữu đất đâu, sao lại có ý kiến đề xuất không cho thoả thuận? Ngay cả chuyện định giá cũng vậy, có phải của anh đâu mà anh định giá? Nhà nước quy hoạch xây dựng công trình công cộng thì Nhà nước đền bù với điều kiện đó là đất giao không thu tiền. Còn đất đã bán đấu giá cho người ta thì phải mua lại theo thoả thuận, chứ không có chuyện thu hồi rồi đền bù là không công bằng!”.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thừa nhận ông Long nói có lý, nhưng sẽ không thể sửa được luật nếu “không chọc vào cái sở hữu và cái quyền”. Nếu để quyền sở hữu đất đai như hiện nay thì cực kỳ khó chế tài. Ở chỗ, đất đai thuộc sở hữu của toàn dân nhưng Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thực chất là một đối tượng có hai ông chủ. Một là người đang sử dụng đất, hai là Nhà nước. Theo giá thị trường mà dân đòi hỏi thì không biết bao nhiêu cho vừa. “Tốt nhất là cho sở hữu tư nhân đất ở vì thực chất đã sở hữu tư nhân rồi mà ta cứ nói là sở hữu toàn dân, thành ra bao nhiêu chính sách ra không rõ!” - ông Nguyên nói.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng cần giải quyết rốt ráo vấn đề sở hữu tư nhân về đất thì mới giải quyết được những vướng mắc về đất đai. Ảnh: Thanh Hải
Giao đất theo NĐ 64: Lúng túng và bế tắc!
Vấn đề giao đất theo Nghị định 64 sau 20 năm thực hiện, theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, là cực kỳ phức tạp. Tuy nhiên tại hội nghị không có ý kiến nào phát biểu, ngoài chính ông Bộ trưởng này. Ông cho hay, năm 1993, khi giao đất cho dân thì giao theo hộ, theo từng nhân khẩu và theo hạn mức sào. Hộ 2 người được 2 sào, hộ 10 người được 10 sào. Sau 20 năm, bây giờ gia đình 10 người chỉ còn 2, nhưng gia đình 2 người lại thành 10 rồi. Từ đó tạo ra sự bất hợp lý trong vấn đề đất đai hiện nay.
“2 người vẫn giữ 10 sào, trong khi đó chưa thu thuế đất. Bây giờ điều tiết lại bằng cách gì? Chia lại ruộng đất à? Khó lắm. Làm sao chia lại được bây giờ? Mà nếu đã chia lại thì liên tục sẽ chia lại. Vì sau 20 năm nữa, 2 người đó lại thành 10, 10 người lại thành 2, dân số liên tục thay đổi. Ra cơ chế gì đây?” - Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên liên tục đặt câu hỏi.
Ông cho hay, khi Quốc hội bàn có đánh thuế nông nghiệp hay không, ông có nêu quan điểm nhưng chưa được chấp nhận. Đó là: Hạn mức đất nông nghiệp giao thì không đánh thuế, còn vượt quá hạn mức thì phải đánh thuế theo luỹ tiến, không để 2 người hiện nay đang giữ 10 sào, và đừng để 10 người hiện nay chỉ có 2 sào. Đánh thuế tới mức độ anh không chịu nổi, phải trả lại đất đó cho Nhà nước để điều tiết lại cho những gia đình khác. Tuy nhiên cách này hiện nay chưa làm được.
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, chỉ có thể bằng bài toán kinh tế mới điều tiết lại được. “Khổ nỗi gia đình 2 người giữ 10 sào đó đang chờ khi nào Nhà nước thu hồi đất này lại thì bắt đầu dấy lên đòi đền bù. Chính từ sự chênh lệch tạo ra bất hợp lý ở chỗ này!”, ông nói.