Khu đất vừa được đấu giá của thị trấn Xuân An
Ngày 27/11, Hội đồng đấu giá Quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở huyện Nghi Xuân đã tổ chức đấu giá QSDĐ 13 lô đất ở thuộc vùng quy hoạch xen dăm dân cư khối phố 5, vùng quy hoạch dân cư Ruộng Hậu và vùng quy hoạch xen dăm dân cư Cồn Chợ khối phố 6 thị trấn Xuân An, trung bình mỗi lô đất rộng 200m2. Mặc dù Hội đồng đấu giá QSDĐ ở tại thị trấn Xuân An công bố giá thăm dò vòng một cho 12 lô tạm thời áp theo khung giá tại Quyết định 4155/ 2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh là 700.000đ/m2, ngoại trừ lô đất số 51 có khung giá cao hơn là 1.200.000đ/m2. Tuy vậy, sau khi kết thúc các vòng đấu trực tiếp, có những lô đất giá lên tới gần 2 tỷ đồng, có nghĩa là gấp hơn 100 lần so với khung giá trần.
Qua đấu giá đất đợt này, có thể thị trấn Xuân An thu được khoản lợi lớn góp phần phát triển kinh tế địa phương, nhưng trên thực tế cuộc đấu giá đất lại trở nên không phù hợp đối với người dân địa phương đang có nhu cầu mua đất ở trong khu vực. Bởi vì do giá đất thông qua đấu giá bị đẩy lên quá cao, đa số những người dân địa phương có nhu cầu sử dụng đất ở thực sự khó mà mua nổi. Việc này đã gây ảnh hưởng rất tiêu cực tới đời sống của người dân và tới thị trường mua, bán, trao đổi, chuyển nhượng đất ở trên địa bàn.
Khách từ thành phố Vinh, Hà Tĩnh đổ về tham gia đấu giá
Bà Nguyễn Thị Liên (56 tuổi) người dân địa phương cho biết: Thị trấn tổ chức bán đấu giá QSDĐ ở, nhưng người có điều kiện đấu giá chủ yếu ở T.P Vinh (Nghệ An) và T.P Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) đến tham gia. Thực chất họ không mua đất đấu giá để ở mà mục đích là để đầu tư, kinh doanh buôn bán kiếm lời. Không riêng ở thị trấn mà bất kỳ nơi nào trong khu vực, kể cả những nơi đang còn là bãi đất trống, chưa có đường giao thông, nhưng nếu có đấu giá đất, đều bị người ở nơi khác đến mua để kinh doanh, đầu cơ, người dân địa phương có nhu cầu muốn mua để ở đều khó có thể chen chân.
Trước cuộc đấu giá đất gây xôn xao dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hiền Lương, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân. Ông Lương cho biết: Việc tổ chức đấu giá đất là cần thiết, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của huyện Nghi Xuân. Tổ chức đấu giá công khai như vừa qua là hình thức khai thác triệt để, nhằm thu được giá càng cao càng có lợi. Tuy vậy, huyện vẫn còn quỹ đất dự phòng để bán cho những hộ gia đình là đối tượng chính sách và con em của người dân địa phương khi tách hộ, có nhu cầu làm nhà ở nhưng chưa có đất ở...
Tuy nhiên, theo chúng tôi, cách lý giải của ông Nguyễn Hiền Lương chưa thật sự phù hợp với điều kiện ở huyện Nghi Xuân vì nhu cầu sử dụng đất ở của người dân nơi đây là khá cao, trong lúc thu nhập chính chủ yếu của họ là nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Việc đấu giá đất vừa qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến giá đất nơi đây. Nên dù huyện có "dành đất dự phòng bán cho người dân" thì giá vẫn khá cao, khó phù hợp với túi tiền của họ.
Cũng theo chúng tôi, Hội đồng đấu giá (QSDĐ) huyện Nghi Xuân nói riêng, cũng như tỉnh Hà Tĩnh nói chung cần có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn trong đấu giá đất, đặc biệt cần phổ biến rộng rãi, minh bạch đến đông đảo người dân, không để giá đất bị đẩy lên quá cao một cách vô lý, dẫn đến tổ chức đấu giá đất mà chỉ bán được đất cho người kinh doanh, đầu cơ đất; còn người tiêu dùng thực sự thì không thể mua nổi.